Khi thực hiện một số dự án, công việc ngắn hạn, rất nhiều doanh nghiệp sử dụng hợp đồng khoán việc để làm căn cứ thỏa thuận chi phí với công nhân. Vậy quy định pháp luật về hợp đồng khoán việc như thế nào?
Mục Lục
I. Khái quát về hợp đồng khoán việc – Hợp đồng khoán việc là gì?
Theo quy định tại Điều 513 Bộ luật Dân sự 2015, ta có thể xác định hợp đồng khoán việc là loại hợp đồng dịch vụ. Cụ thể:
“Hợp đồng khoán việc (còn gọi là hợp đồng thuê khoán việc) là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được khoán việc thực hiện công việc cho bên khoán việc, bên khoán việc phải trả tiền dịch vụ cho bên được khoán việc.”
Trong một số trường hợp, hợp đồng khoán việc có tính chất đòi hỏi người lao động có trình độ chuyên môn cao thì còn được gọi là hợp đồng thuê khoán chuyên môn.
II. Các quy định pháp luật về hợp đồng khoán việc doanh nghiệp cần lưu ý
Hợp đồng khoán việc được ký kết trong trường hợp nào?
Việc lựa chọn sử dụng hợp đồng khoán việc hay hợp đồng lao động cần phải dựa vào đặc điểm, tính chất của từng loại hợp đồng cũng như lĩnh vực, công việc mà doanh nghiệp đang tham gia hoạt động.
Hợp đồng khoán việc chỉ được sử dụng đối với các công việc diễn ra trong một thời điểm nhất định, chỉ mang tính thời vụ. Ví dụ: hợp đồng khoán việc tạp vụ, hợp đồng khoán việc bảo vệ.
Còn đối với những công việc mang tính chất ổn định và lâu dài thì sẽ áp dụng hợp đồng lao động theo 01 trong 03 loại sau:
– Hợp đồng lao động theo mùa vụ hay theo một công việc nhất định nào đó có thời hạn dưới 1 năm.
– Hợp đồng lao động có thời hạn xác định là hợp đồng mà hai bên xác định thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian đủ từ 1 – 3 năm.
– Hợp đồng lao động không xác định thời hạn cụ thể là hợp đồng mà không có sự xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng giữa hai bên.
Không được giao ước hợp đồng lao động theo mùa vụ hay theo một công việc cụ thể nào đó có thời hạn dưới 1 năm để làm những công việc có tính chất thường xuyên hơn 1 năm trừ trường hợp phải tạm thay thế người lao động đi thực hiện nghĩa vụ quân sự, ốm đau, nghỉ do chế độ thai sản, do tai nạn lao động hay nghỉ có tính chất tạm thời khác.
Do vậy, nếu doanh nghiệp biến tướng hợp đồng lao động thành hợp đồng khoán việc, nhằm trốn tránh nghĩa vụ bảo hiểm với người lao động thì có thể bị phạt tiền từ 500.000 – 20.000.000 đồng, tùy thuộc vào số lượng lao động vi phạm căn cứ theo nghị định 95/2013/NĐ – CP.
Các loại hợp đồng khoán việc
Hiện nay, nếu căn cứ vào tính chất công việc cũng như phạm vi công việc được giao khoán thì có thể phân hợp đồng khoán việc thành 02 loại: hợp đồng khoán việc toàn bộ và hợp đồng khoán việc từng phần. Cụ thể:
Hợp đồng giao khoán việc toàn bộ:
Được hiểu là trường hợp bên giao khoán (bên khoán việc) giao toàn bộ công việc cũng như các chi phí cần thiết để thực hiện việc hoàn thành công việc.
Trường hợp này, trong khoản thù lao trả cho người nhận khoán việc sẽ không chỉ bao gồm tiền công lao động để thực hiện công việc giao khoán mà còn bao gồm các chi phí khác để giúp người nhận khoán việc hoàn thành công việc được giao.
Hợp đồng giao khoán việc từng phần:
Được hiểu là trường hợp bên khoán việc không giao toàn bộ công việc mà chỉ giao một phần công việc và người nhận khoán việc phải tự lo các công cụ, vật trang để hoàn thành công việc.
Tuy nhiên, khi trả tiền thù lao khoán việc cho bên nhận khoán việc thì ngoài tiền công lao động, bên giao khoán công việc sẽ phải tính đến giá trị khấu hao của công cụ lao động.
Hợp đồng khoán việc gồm những điều khoản nào?
Hiện nay, quy định pháp luật về hợp đồng khoán việc không có quy định mẫu hợp đồng cụ thể mà chủ yếu do các bên khoán và bên nhận khoán tự thỏa thuận với nhau. Tuy vậy, một mẫu hợp đồng khoán việc vẫn phải đảm bảo có những nội dung sau đây:
– Thông tin của hai bên thuê khoán, và bên nhận khoán bao gồm: tên, địa chỉ, số điện thoại, người đại diện, chức vụ, địa chỉ, số chứng minh nhân dân, nơi cư trú…
– Về nội dung công việc: ghi yêu cầu công việc của bên thuê khoán với bên nhận khoán cụ thể như thế nào.
– Tiến độ thực hiện công việc: ghi nhận về địa điểm làm việc, thời gian thực hiện công việc từ ngày, tháng, năm nào đến ngày, tháng, năm nào.
– Thù lao sau khi hoàn thành: số tiền bằng số, bằng chữ, đơn vị tính, thời hạn và tiến độ trả thù lao, hình thức thanh toán thù lao đưa tiền mặt trực tiếp hay chuyển khoản.
– Ghi nhận cụ thể về quyền lợi và nghĩa vụ của các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng khoán việc.
– Cam kết của các bên khi thực hiện hợp đồng, lựa chọn hình thức giải quyết khi xảy ra tranh chấp, các vấn đề về phạt vi phạm hợp đồng.
– Quy định rõ về thời hiệu của hợp đồng khoán việc từ thời điểm nào đến thời điểm nào.
– Kết thúc hợp đồng sẽ có xác nhận bằng chữ ký, đóng dấu của người có thẩm quyền của hai bên khi thực hiện hợp đồng khoán việc.
III. Hợp đồng khoán việc có phải đóng bảo hiểm xã hội không?
Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định những đối tượng thuộc diện phải tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm:
– Người lao động là công dân Việt Nam làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên.
– Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật cán bộ, công chức năm 2008 và Luật Viên chức năm 2010.
– Công nhân quốc phòng, công nhân công an hoặc người làm công tác khác trong các tổ chức cơ yếu khác.
– Lực lượng sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, hạ sĩ quan… phục vụ trong ngành quân đội hoặc công an.
– Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động theo nội dung quy định trong Luật đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
– Người đứng đầu doanh nghiệp, hợp tác xã có chức vụ quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã mà có hưởng tiền lương.
– Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.
– Công dân nước ngoài có giấy phép lao động hoặc có chứng chỉ hành nghề, giấy phép hành nghề để hành nghề, làm việc trên lãnh thổ Việt Nam.
Như vậy, căn cứ vào quy định trên, khi tham gia hợp đồng khoán việc, cả người khoán việc và người nhận khoán việc đều không phải tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc. Trường hợp này, nếu muốn tham gia Bảo hiểm xã hội thì người nhận khoán việc hoặc người khoán việc chỉ có thể tham gia theo diện Bảo hiểm xã hội tự nguyện.
IV. Kết luận
Khi ký kết hợp đồng khoán việc hay hợp đồng thuê khoán chuyên môn, doanh nghiệp cũng như người lao động cần tuân thủ nghiêm ngặt những quy định pháp luật về hợp đồng khoán việc. Ngoài ra, bạn đọc cũng có thể tham khảo thêm các bài viết về nghiệp vụ luật và các loại hợp đồng tại MISA AMIS .